ỨNG DỤNG ARCGIS TRONG GIÁO DỤC DI SẢN CHO HỌC SINH TẠI QUẢNG TRỊ
Cổng thành di tích thành cổ Quảng Trị qua ứng dụng công nghệ 3D
Ngày nay, hệ thống thông tin địa lý – Geographic Information System (GIS) đang ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Công nghệ GIS đã và đang đạt được những thành tựu hết sức to lớn, là một công cụ đắc lực không thể thiếu trong việc nghiên cứu, quản lý và trợ giúp đưa ra những quyết định đúng đắn; áp dụng vào hầu hết các lĩnh vực khoa học - kinh tế, các hoạt động quốc phòng và giáo dục đào tạo…
Tại Quảng Trị, qua khảo sát tại một số trường học cho thấy, việc nhận thức về lịch sử và tầm quan trọng của các di sản văn hóa ngay trên mảnh đất quê hương của các em học sinh còn rất hạn chế, chủ yếu thông qua các bài học khá khô khan và nghèo nàn tư liệu trên lớp qua các môn học Lịch sử - Địa lý.
Do đó, một nhóm giáo viên và các nhà nghiên cứu bao gồm cô giáo Phan Thị Hoa Lợi và một số giáo viên tại trường THPT Cam Lộ và các học sinh trong trường cùng chuyên gia Phan Tuấn Anh tại Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị (cũng là Chủ tịch Hội Địa lý Quảng Trị) từ năm 2014 đã nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất với các trường THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị: phương pháp Giáo dục lịch sử thông qua việc khám phá hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị bằng công nghệ GIS – ArcGIS bước đầu đưa vào thử nghiệm trong một số bài học Lịch sử - Địa lý nhằm hỗ trợ thay đổi phương pháp dạy và học của cả giáo viên và học sinh.
Hệ thống cơ sở dữ liệu :
Quảng Trị có 520 di tích lịch sử, được phân chia theo nhiều tiêu chí khác nhau như địa bàn hành chính, loại hình di tích và giai đoạn lịch sử. Với nền tảng ArcGIS và ArcGIS Online,dựa trên cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa tại tỉnh, nhóm nghiên cứu đã thành lập và phân loại các bản đồ chuyên đề dựa trên :
+ Loại hình di tích : di tích đặc biệt cấp quốc gia, cấp quốc gia, cấp tỉnh
Bản đồ các điểm di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh
+ Địa giới hành chính : bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện trong đó có 1 huyện đảo.
Bản đồ các di tích trong địa giới thành phố Đông Hà
+ Cụm di tích : Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972; Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; Hệ thống đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh
Bản đồ cụm di tích Thành Cổ và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972
+ Giai đoạn lịch sử: theo các giai đoạn lịch sử của dân tộc diễn ra trên đất Quảng Trị
Bản đồ các di tích trong giai đoạn trước cách mạng tháng 8 năm 1945
Ngoài ra, các ứng dụng trên thiết bị di động cũng được phát triển nhằm giúp người dùng có thể dễ dàng truy cập một cách nhanh chóng mọi lúc mọi nơi.
Phương pháp sử dụng hệ thống di sản bằng công cụ trực quan
Các phong trào tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích ở địa phương thực tế đều chỉ dừng lại ở kết quả chăn sóc, giữ gìn di tích sạch đẹp, học sinh chưa thực sự hiểu rõ được giá trị của di tích và tuyên truyền quảng cáo di tích với bạn bè và khách du lịch. Cũng như thời gian cho các tiết học tìm hiểu thực tế còn quá ít, dừng lại ở việc đăng ký, tổ chức cho các em đi thăm quan bảo tàng, dâng hương vào dịp lễ hội.
Với phương pháp Giáo dục lịch sử thông qua việc khám phá hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị bằng công nghệ GIS - ArcGIS cho phép học sinh nhìn lại kho tàng văn hóa truyền thống của tỉnh Quảng Trị, đáp ứng nhiệm vụ giáo dục truyền thống và nâng cao nhận thức cho mỗi học sinh; tạo điều kiện để mỗi học sinh tham gia tích cực vào việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị của di sản văn hóa.
Sản phẩm đã xây dựng một dữ liệu nền các di sản văn hóa toàn tỉnh Quảng Trị (di tích lịch sử, văn hóa, danh lam và di sản phi vật thể), với đầy đủ các thông tin (tên, địa điểm, vị trí – tọa độ, loại hình di tích, mô tả tóm tắt,...) và kèm theo là các hình ảnh, video từ xưa tới nay đi kèm theo từng điểm di sản; bên cạnh đó với dữ liệu bản đồ bao gồm đầy đủ các lớp thông tin (hành chính, giao thông, các điểm di sản,...).
Thông qua các sản phẩm:
- Hệ thống bản đồ trực trực tuyến bao gồm 31 bản đồ (530 điểm di tích được phân theo địa bàn hành chính, loại hình di tích và giai đoạn lịch sử; trong đó có các bản đồ số trực tuyến phục vụ cho giáo dục như: Di tích lịch sử tỉnh Quảng Trị phân theo giai đoạn lịch sử; Quảng Trị - Mảnh đất con người…..
- Website giới thiệu http://disanquangtri.com/ là nơi để thể hiện Hệ thống bản đồ trực tuyến cùng toàn bộ sử liệu, tư liệu khảo cứu giúp cho học sinh và giáo viên thao tác trực tiếp trong các giờ học. Đồng thời, đây cũng là kho tư liệu giúp giáo viên khảo cứu từ đó giúp việc đưa kiến thức đến học sinh sinh động hơn và giảm thiểu việc truyền đạt con số cứng ngắc theo giáo trình.
- Các ứng dụng (Apps): sẽ là công cụ giúp cho giáo viên và học sinh lập kế hoạch, vẽ lộ trình, lựa chọn các điểm tham quan trong các chuyến hoạt động ngoại khoá để tạo thêm hứng thú và sự hiểu biết của học sinh ngay tại điểm di tích được tham quan gắn với bài học.
Đây được xem là bước đầu của giúp học sinh hòa nhập môn Lịch sử trong Phương pháp sử dụng hệ thống di sản bằng công cụ trực quan mà hiện nay không chỉ với chương trình lịch sử địa phương tỉnh Quảng Trị mà ngay cả với chương trình chính của các lớp THCS và THPT thông qua ứng dụng phươnng pháp trên sẽ giúp việc giảng dạy trở nên sinh động hơn.
Story Map – Tour Di sản Quảng Trị
Hệ thống chỉ đường
Gần đây, các dữ liệu hình ảnh đã được phong phú hơn nhờ sử dụng công nghệ UAV, 3D scan để tạo dữ liệu sinh động tổng quan và các hình ảnh VR tại các điểm di tích càng giúp cho việc tiếp cận hình ảnh sinh động hơn. Trong thời gian tới nhóm nghiên cứu đang tiếp tục phát triển công nghệ này nhờ hỗ trợ Dron2Map của ESRI để phong phú hơn kho tư liệu.
Nhóm nghiên cứu cũng đã và đang hướng tới xây dựng bộ CSDL di sản cho cả nước (bước đầu đã xây dựng một số dữ liệu về di sản UNESSCO tại Việt Nam, di tích đặc biệt cấp Quốc gia,…) tuy nhiên, nếu mở rộng thì đây chỉ là dữ liệu nền còn tại các tỉnh nên có sự kết nối cùng xây dựng như tại Quảng Trị khi đó sẽ có một kho CSDL đầy đủ di sản Việt Nam từ đó hỗ trợ tốt hơn cho giáo dục di sản trong tường học.
Tác giả bài viết: Phan Tuấn Anh - Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị